LÁI XE TỰ CHẾ CHỞ HÀNG HÓA GÂY CẢN TRỞ GIAO THÔNG CÓ THỂ BỊ PHẠT

Lái xe tự chế chở hàng hóa như rau củ, trái cây,... lưu động trên đường gây cản trở giao thông có thể bị phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

Tôi thấy có nhiều dạng xe tự chế chở hàng hóa như chở rau củ, trái cây,… kích thước rất lớn, cồng kềnh. Vào giờ tan tầm, những xe này đậu dưới lòng đường, chiếm khá nhiều diện tích, gây cản trở giao thông vì các xe khác phải luồn lách, tránh né để không va chạm.

Bạn đọc Nguyễn Thông (Bình Dương)

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Căn cứ khoản 1, Điều 12 Nghị định 100/2019 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) quy định hành vi bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè đường bộ có thể bị xử phạt từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức sẽ bị xử phạt từ 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng.

Đồng thời, tại điểm m khoản 1 Điều 8, điểm b khoản 5 và điểm d khoản 10 Điều 12 Nghị định số 100/2019 quy định về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, gây cản trở giao thông.

- Phạt tiền từ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, bày, bán hàng hóa,... hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông. Trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6, khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 12 Nghị định số 100/2019.

Lái xe tự chế chở hàng hóa lưu động trên đường gây cản trở giao thông có thể bị phạt. Ảnh: suutam
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, hàng hóa, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra (đối với hành vi quy định tại khoản 3; khoản 4; điểm b, điểm c, điểm d khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 6; khoản 7; điểm a khoản Điều 12 Nghị định số 100/2019).

Như vậy, người điều khiển xe tự chế chở hàng hóa như chở rau củ, trái cây,… gây cản trở giao thông có thể bị xử phạt theo các quy định được trích dẫn ở trên.

Theo Plo.vn